DFSA là cơ quan quản lý dịch vụ tài chính độc lập dưới sự ủy quyền của Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC). DFSA điều hành các hoạt động bao gồm Hoạch định chính sách và Xây dựng luật, Ủy quyền, Công nhận, Giám sát, Thực thi và Hợp tác quốc tế. Ngoài ra, DFSA còn chịu trách nhiệm quản lý và giám sát NASDAQ Dubai (DIFX) và Sàn Giao dịch Hàng hóa Dubai (DME).
Tổ chức có phương thức hoạt động “Trở thành cơ quan điều tiết chú trọng ứng phó rủi ro và tránh tạo gánh nặng pháp lý không cần thiết”, nhấn mạnh rằng việc đặt ra các luật lệ hoặc quy định quá hà khắc có thể gây ra các vấn đề tương tự như khi không có luật định. Do đó, cách tiếp cận hiệu quả nhất là giữ chừng mực mọi mặt trong quản lý. Phương thức này giúp tất cả các bên có thể hoạt động trong khuôn khổ đề ra một cách hiệu quả và chuyên sâu nhất có thể, đồng thời có quyền tự do thực hiện các hoạt động, từ đó giúp thị trường vận hành trơn tru.
Giống như mọi cơ quan quản lý uy tín khác trên thế giới, DFSA luôn nỗ lực trở thành một trong những đơn vị tiên phong triển khai các dịch vụ tài chính trong khuôn khổ các luật lệ và quy định. Tổ chức đề ra phương hướng hành động nhằm đảm bảo sự thịnh vượng của thị trường tài chính và những vấn đề tương tự dựa trên khuôn khổ do DIFC đề xuất. Hơn nữa, DIFC được chỉ đạo bởi hai chế độ tương trợ tư pháp là hệ thống tư pháp liên bang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và hệ thống tư pháp DIFC, cả hai đều được DFSA giám sát. Để đạt được mục tiêu đó, DFSA cho thi hành một số luật lệ và quy định cụ thể, đồng thời yêu cầu các thành viên thực hiện các giao dịch và hoạt động tài chính một cách công bằng.
DFSA tự hào về khả năng quản lý chuyên nghiệp, độc lập và đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ và nghĩa vụ một cách công bằng và khách quan. Ngoài ra, DFSA có trách nhiệm quản lý các tổ chức, cá nhân và các bên tham gia có hoạt động tài chính thuộc thẩm quyền giải quyết của DIFC. Các thành viên có thể hoàn toàn yên tâm bởi các phương pháp quản lý có thẩm quyền của tổ chức luôn tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế và tất nhiên là theo chính DIFC.
DFSA nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm duy trì sự an toàn, minh bạch, liêm chính và thống nhất trong thị trường tài chính – nơi tất cả những bên tham gia có thể cùng bắt tay hợp tác cũng như tin tưởng vào hệ thống. Để có thể làm được điều này, DFSA luôn bám sát những luật lệ và nguyên tắc do DIFC quy định.
Tương tự, DFSA cam kết rằng mọi hoạt động đều tuân theo quy định để các dịch vụ tài chính do các thành viên DFSA cung cấp luôn được triển khai một cách công bằng và hiệu quả, từ đó đảm bảo tính an toàn cũng như tính ổn định của thị trường. Các bước và biện pháp cần thiết này được thực hiện nhằm duy trì tình hình thị trường sao cho gặp phải ít rủi ro nhất có thể.
Cũng như mọi doanh nghiệp khác, không phải thành viên đã đăng ký nào của DFSA cũng tuân thủ luật và một vài trong số đó có xu hướng vi phạm hoặc lách luật. Trong trường hợp đó, DFSA sẽ áp dụng các chế tài phạt vi phạm và mức phạt phù hợp. Những biện pháp phòng ngừa này sẽ bảo vệ khách hàng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ. Mục tiêu của DFSA là công bố mọi thông tin cần biết liên quan đến quy định của ngành dịch vụ tài chính trong DIFC.
Bên cạnh đó, vào năm 2014, DFSA đã khởi xướng sáng kiến Nâng cao nhận thức về dịch vụ tài chính mang tên Bawabaty (còn được gọi là My Gateway) dành cho giới trẻ UAE với nỗ lực nâng cao nhận thức về dịch vụ tài chính và văn hóa làm việc. DFSA cũng đã có một bước làm hiệu quả khi triển khai Chương trình đào tạo mùa hè cho phép sinh viên đại học UAE làm thực tập sinh để tích lũy kinh nghiệm thực tế trong các lĩnh vực Công tác doanh nghiệp, Tài chính và Quản trị, Quản trị nhân sự và Công nghệ thông tin của DFSA.
Không những thế, việc thực hiện các mục tiêu đề ra của DFSA luôn tuân theo luật pháp Dubai, đồng thời phối hợp với với các mục tiêu của cơ quan giám sát của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng như các cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế khác. Luật Quản lý năm 2004 cũng được coi là cơ sở cho các bước quản lý của tổ chức như cấp, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, giám sát và đăng ký. Theo Luật Thị trường năm 2012, DFSA có nghĩa vụ giám sát tất cả các thành viên đã đăng ký bằng cách thi hành luật lệ và quy định. Một số luật lệ đáng chú ý khác được DFSA tuân thủ bao gồm Luật Điều tiết trong Kinh doanh Tài chính Hồi giáo năm 2004, Luật Đầu tư Tập thể năm 2010 và Luật Ủy thác Đầu tư năm 2006. Trong năm 2006, DFSA đề ra Cơ chế quỹ đầu tư tập thể nhằm bảo vệ các nhà đầu tư dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài tất cả các luật lệ nêu trên, DFSA còn thực thi hoạt động chống rửa tiền trong DIFC cùng sự hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương UAE.
DFSA chịu sự giám sát thường xuyên bởi các cơ quan giám sát như Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), Hiệp hội các Nhà quản lý Bảo hiểm Quốc tế (IAIS) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Do đó, văn hóa và chất lượng hoạt động của DFSA luôn được kiểm tra và giám sát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn tối thiểu cần có của ngành Ngân hàng, Bảo hiểm và Chứng khoán. Các tổ chức khác chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động tổng thể của DFSA bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World bank), trong nỗ lực chung nhằm xác định Độ ổn định của Hệ thống Tài chính (FSAP) của DFSA. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số quốc gia hoặc khu vực nhất định sẽ được đánh giá theo Luật Đầu tư Tập thể năm 2010 để đảm bảo cùng tuân theo yêu cầu của một bộ tiêu chí. Tương tự, DFSA đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) với Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SCM) với nội dung về hoạt động tiếp thị và cung cấp quỹ Hồi giáo xuyên biên giới.
Biên bản ghi nhớ (MoU)
DFSA có cơ sở chính thức để tương tác với các cơ quan giám sát khác dựa trên Biên bản ghi nhớ song phương (MoU) bao gồm chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình điều tra theo quy định của pháp luật. DFSA đã ký kết Biên bản ghi nhớ đa phương với Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Cơ quan Giám sát Thị trường Tương lai và các Tổ chức Thanh toán Bù trừ (BOCA Declaration), Hiệp hội các Nhà quản lý Bảo hiểm Quốc tế (IAIS), Hội đồng Khu vực Châu Phi và Trung Đông của IOSCO (AMERC) và Diễn đàn Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán Độc lập (IFIAR).
Các công ty, cá nhân và định chế thị trường cần phải được DFSA cấp phép và đăng ký nếu muốn tiến hành kinh doanh tại DIFC nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu pháp lý bắt buộc. Giấy phép của DFSA cho biết đối tượng được cấp phép có thể cung cấp loại dịch vụ tài chính nào hoặc khả năng thực hiện hoạt động tài chính của đối tượng.
DFSA đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của sự sáng tạo và công nghệ cũng như cách những yếu tố này thúc đẩy tiềm năng thịnh vượng của thị trường tài chính. Đó là lý do vì sao tổ chức sẵn sàng cấp Giấy phép Thử nghiệm Đổi mới (ITL) cho các doanh nghiệp Công nghệ Tài chính (FinTech) để các doanh nghiệp này có thể tự do thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong một môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ với điều kiện đáp ứng được những điều kiện cần thiết.
Các công ty và tổ chức phải thể hiện năng lực, sự trung thực cũng như tính chính trực nếu muốn được DFSA ủy quyền. DFSA sẽ đánh giá tình trạng pháp lý, vị trí văn phòng, cấu trúc sở hữu và cơ cấu tổ chức, nguồn lực đầy đủ và bộ máy quản lý cấp cao để xác định xem các công ty có thể đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc hay không. Ngoài ra, DFSA sẽ xử lý và trả lời tất cả yêu cầu đăng ký trong vòng mười ngày làm việc và tối đa bốn tháng kể từ yêu cầu xem xét cuối cùng tùy thuộc vào mức độ phức tạp của yêu cầu. Nếu cần hỗ trợ trong việc hoàn tất yêu cầu đăng ký, đối tượng đăng ký DFSA có thể tham khảo một số tài liệu như Bộ quy tắc DFSA, Tài liệu nguồn DFSA, Hỏi đáp về Ủy quyền, Quản lý phát triển kinh doanh của DIFCA, Bộ phận thị trường và Công nhận tùy theo tính chất của yêu cầu hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các kiểm toán viên đã đăng ký có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động tài chính trên thị trường diễn ra suôn sẻ, hợp pháp và minh bạch. Bằng cách này, các nhà đầu tư có tài sản tài chính đối mặt với nguy cơ rủi ro có thể hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào tính toàn vẹn của thị trường. Cần lưu ý thêm rằng các tổ chức hoặc ngành nghề không được ủy quyền, ví dụ như kiểm toán viên, được coi là Các tổ chức hoặc ngành nghề phi tài chính được chỉ định (DNFBP). Danh sách DNFBP có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các nhà phát triển bất động sản, đại lý kinh doanh kim loại/đá quý, đại lý kinh doanh các mặt hàng có giá trị lớn hơn 15.000 USD, công ty luật, công ty công chứng, doanh nghiệp hợp pháp độc lập và công ty mất khả năng thanh toán.
Tài chính Hồi giáo
DFSA có cách tiếp cận linh hoạt đối với thị trường tài chính, đưa ngành dịch vụ tài chính Hồi giáo vào hoạt động theo cùng một khung pháp lý. Cách tiếp cận này dung hòa cả các tiêu chuẩn quốc tế và luật tài chính Hồi giáo. Những điểm tương đồng giữa tài chính thông thường và tài chính Hồi giáo về khía cạnh rủi ro đòi hỏi phải có cách xử lý đơn giản hơn để có thể tiếp cận hai đối tượng theo cách giống nhau. Tuy nhiên, những điểm khác biệt giữa tài chính thông thường và tài chính Hồi giáo sẽ được xử lý theo cách khác nhau bởi DFSA hoàn toàn công nhận các cấu trúc và rủi ro do tài chính Hồi giáo đặt ra. Các tổ chức đồng ý với tiêu chuẩn và nguyên tắc Hồi giáo quốc tế bao gồm Tổ chức Kế toán và Kiểm toán cho các Tổ chức Tài chính Hồi giáo (AAOIFI) và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hồi giáo (IFSB).
Chế độ quản lý tài chính Hồi giáo của DFSA
Các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tài chính theo nguyên tắc của Kinh doanh Tài chính Hồi giáo phải có ký hậu theo lệnh trong giấy phép. Do đó, các hệ thống do các doanh nghiệp Hồi giáo này đề xuất phải hoàn toàn tuân thủ hệ thống luật Hồi giáo (Sharia). Vì DFSA không phải là cơ quan quản lý Sharia nên trách nhiệm quản lý Sharia thuộc về các doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp có quyền đề cử Ban Giám sát Sharia (SSB) nhằm đảm bảo các bên liên quan lắng nghe các phán quyết của SSB và thường xuyên tiến hành đánh giá Sharia cũng như thực hiện kiểm toán nội bộ. Các luật lệ và tiêu chuẩn khác mà các công ty nói trên phải tuân thủ bao gồm Luật lệ An toàn, Quy định Công bố Thông tin, Quỹ Hồi giáo, Sổ tay hướng dẫn Tài chính Hồi giáo và các danh mục Chứng khoán Hồi giáo.
Giám sát
DFSA đảm bảo tất cả các công ty, thị trường, tổ chức, cá nhân và nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ được quản lý đều tuân thủ luật pháp và các quy định về chống rửa tiền. DFSA đặc biệt quan tâm đến việc phơi bày những đối tượng đe dọa tính toàn vẹn của DIFC. Thông qua phương pháp giám sát dựa trên rủi ro, DFSA thường xuyên kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp và công ty đã đăng ký nhằm nỗ lực xây dựng lòng tin và nền tảng vững chắc để cả các cơ quan lập pháp và những người tuân thủ luật pháp đều có thể cùng tồn tại và cùng thịnh vượng. Để đạt được mục tiêu đó, tổ chức luôn không ngừng nỗ lực duy trì đường dây liên lạc cởi mở với ban lãnh đạo cấp cao của công ty nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp bằng cách sử dụng các công cụ giao tiếp như SEO Letters.
Để xác định các khu vực rủi ro có thể khiến thị trường gặp nguy hiểm, DFSA thực hiện một chu trình quản trị rủi ro bao gồm các bước xác định, đánh giá, ưu tiên và giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp hoặc tổ chức cần có một công cụ khác nhau để đánh giá rủi ro và sẽ lựa chọn các công cụ quản lý này (ví dụ như đánh giá theo chủ đề) bằng cách xem xét chi phí cho cả DFSA và doanh nghiệp để bảo vệ thị trường một cách hiệu quả. Trong số các phương pháp đánh giá rủi ro này, các quy định về chống rửa tiền và thấu hiểu khách hàng được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.
Một số lưu ý liên quan tới vấn đề trên là các doanh nghiệp đã đăng ký cũng phải báo cáo các sự kiện đáng chú ý cho DFSA; trách nhiệm này thuộc về ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Mọi biện pháp phòng ngừa này sẽ được thực hiện tương ứng với mức độ rủi ro của công ty được ủy quyền. Để tăng cường mở rộng các đường dây liên lạc giữa DFSA và các công ty được ủy quyền, DFSA còn hỗ trợ các kênh liên lạc khác như SEO Letters, Buổi gặp mặt (Outreach Sessions), Cảnh báo và hệ thống EPRS.